
Thông thường trên nhãn mác của sản phẩm sẽ cung cấp thông tin cho người dùng về việc sản phẩm có thể giặt bằng máy được không. Do đó, để không phải sửa máy giặt, hãy kiểm tra kỹ nhãn mác và nếu không chắc chắn, bạn chỉ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn.
1. Tấm lót rèm tắm
Vì lớp lót rèm tắm bằng nhựa rất dễ bám cặn nước cứng, xà phòng và có khả năng bị nấm mốc trong môi trường ẩm ướt nên có thể bị bẩn khá nhanh. Để giữ cho lớp lót này không có mùi hôi và vết bẩn rõ ràng, hãy giặt nó mỗi tháng một lần bằng chế độ giặt đồ mỏng (delicate/gentle).
2. Giày vải
Thông thường người dùng sẽ giặt giày bằng tay nhưng bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức bằng cách cho đôi giày của mình vào máy giặt.
Trước tiên, tháo dây giày và lót giày ra. Dây giày có thể giặt chung với quần áo, nhưng lót giày nên được giặt bằng tay. Giặt giày bằng chu trình nước lạnh cùng với một mẻ khăn lau hoặc khăn tắm, sau đó để khô tự nhiên trước khi xỏ dây giày lại.
3. Túi đựng hộp cơm
Túi vải có thể bị rơi xuống đất, bị nước xốt hoặc vụn thức ăn rơi vào khi không được giữ gìn cẩn thận. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng, túi sẽ không còn được đảm bảo vệ sinh.
Sử dụng máy giặt sẽ là lựa chọn hoàn hảo khi bạn không có thời gian giặt tay túi vải của mình. Hãy cho túi vào máy và giặt bằng nước lạnh, rồi phơi khô qua đêm. Sáng hôm sau, chúng sẽ sạch sẽ trở lại và sẵn sàng để bạn sử dụng lại.
4. Thảm yoga
Thảm yoga bốc mùi chắc chắn sẽ làm gián đoạn hoạt động của bạn và bạn cũng không thể thoải mái thực hiện các tư thế tiếp xúc mặt với thảm. Trong khi đó, việc làm sạch thảm yoga bằng máy giặt dễ hơn bạn tưởng: chỉ cần cho thảm vào lồng giặt, nếu cảm thấy quá ít, hãy cho thêm một mẻ khăn tắm hoặc ga trải giường, chọn chế độ giặt nhẹ với nước lạnh. Lưu ý lấy thảm ra trước khi máy chuyển sang chế độ vắt, rồi phơi khô tự nhiên.
5. Mũ lưỡi trai
Mũ lưỡi trai có đường may chắc chắn và phần vành cứng nên có thể thoải mái giặt cùng các đồ có màu tương tự bằng chế độ giặt nhẹ với nước lạnh. Sau khi giặt xong, bạn hãy vo tròn một ít giấy báo và nhét vào bên trong mũ để giúp mũ giữ form khi phơi khô tự nhiên.
6. Thú nhồi bông
Mặc dù hầu hết nhãn hướng dẫn giặt trên thú nhồi bông đều ghi không được giặt bằng máy nhưng bạn vẫn có thể giặt chúng nếu cẩn thận một chút. Trước đó, hãy kiểm tra xem các đường may có được gia công chắc chắn không và đảm bảo bên trong không có linh kiện điện tử. Cho thú vào túi giặt hoặc vỏ gối, rồi giặt chung với quần áo có màu tương tự. Sau khi giặt xong, hãy treo chúng lên để phơi khô tự nhiên.
7. Vòng cổ và dây dắt chó
Vòng cổ và dây dắt chó, mèo bằng vải jeans có thể được giặt bằng máy giặt. Vì vòng cổ tiếp xúc trực tiếp với da thú cưng, bạn nên sử dụng loại bột giặt hoặc nước giặt dành cho da nhạy cảm để tránh gây kích ứng.
Tuy nhiên, bạn không nên giặt vòng cổ có khóa kim loại hoặc bất kỳ họa tiết kim loại nào bởi có thể làm lồng giặt trầy xước và khó bảo dưỡng máy giặt.
8. Gối
Không chỉ chăn, đệm, ga giường, bạn có thể giặt gối bằng máy giặt và cũng nên làm vậy 6 tháng/lần hoặc thường xuyên hơn nếu trong nhà có nuôi thú cưng để giữ cho bộ chăn ga gối của bạn luôn sạch sẽ, không có bụi bẩn hay mạt bụi.
Cả gối lông vũ lẫn gối sợi tổng hợp đều có thể được làm sạch bằng máy giặt. Hãy chọn chế độ giặt nhẹ, nhiệt độ ấm và giặt hai chiếc cùng lúc để giúp lồng máy cân bằng khi quay. Sau khi giặt, bạn có thể sấy khô bằng máy sấy ở chế độ nhiệt thấp.
9. Dụng cụ thể thao
Hãy cho các món đồ bảo hộ có lót vải như bảo vệ ống chân, đầu gối, khuỷu tay và những món tương tự mà bạn thường sử dụng vào máy giặt.
Giặt bằng nước ấm, sau đó phơi khô treo lên hoặc đặt nằm phẳng tùy theo từng loại đồ. Thêm nước diệt khuẩn chuyên dụng cho đồ giặt vào máy giặt để loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi hiệu quả hơn.
10. Balo
Dù là để đi học, đi làm hay đi du lịch, balo thường xuyên tiếp xúc với đủ loại bề mặt không sạch sẽ chút nào (xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, nền đất…). Nếu balo không có các chi tiết bằng da, da lộn, kim tuyến, hay đính đá thì hoàn toàn có thể giặt bằng máy giặt.

Chương trình giặt dành cho balo sẽ phụ thuộc vào chất liệu sản xuất:
- Nếu làm bằng cotton hoặc polyester, hãy chọn chế độ giặt nhẹ (delicate).
- Nếu là chất vải bố (canvas) bền hơn, có thể chọn chế độ giặt mạnh hơn một chút.
Trước khi cho vào giặt, hãy tháo bỏ dây đeo hoặc túi có thể tháo rời để giặt riêng. Để hạn chế tối đa việc khóa kéo ma sát với lồng giặt, làm trầy xước lồng và bảo dưỡng máy giặt sau khi giặt, bạn nên mở hết các khóa kéo trên balo, lộn trái ra ngoài rồi cho vào túi lưới giặt
Sau khi giặt xong, lấy balo ra khỏi máy ngay để tránh bị nhăn không cần thiết. Phơi ngoài trời nếu có thể; nếu không, đặt nằm phẳng trên giá phơi trong nhà để khô tự nhiên.
Ngoài ra, khi giặt balo, chú ý kiểm tra kỹ bên trong để đảm bảo không làm hỏng những vật dụng như sách vở, giấy tờ, ví tiền…
11. Lụa
Có thể bạn đã nghe lời khuyên lụa luôn phải được giặt khô nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Nếu nhãn mác của trang phục cho biết sản phẩm có thể giặt tay thì cũng có thể giặt máy an toàn. Mặc dù lụa thật sự là chất liệu mềm mại hơn các loại vải như cotton và polyester nhưng vẫn có thể giặt tại nhà nếu bạn thực hiện đúng cách.
Giặt lụa bằng nước lạnh và chọn chế độ giặt nhẹ. Để bảo vệ thêm, tốt nhất là cho lụa vào túi giặt lưới để giảm thiểu sự cọ xát.
Lược dịch từ: bobvila.com