
Nhiều người chủ quan khi cho rằng máy giặt nào cũng như nhau nên bỏ qua bước này. Nhưng những mẫu máy mới luôn được trang bị nhiều chế độ, tính năng mới để tối ưu hiệu quả sử dụng. Trước khi bắt đầu lần giặt đầu tiên, việc bạn cần làm là đọc hướng dẫn sử dụng của máy giặt.
Một số yếu tố quan trọng cần biết
1. Mực nước
Hầu hết các máy giặt đều có nhiều mức nước để điều chỉnh theo khối lượng quần áo. Không chỉ phụ thuộc vào số lượng đồ cho vào máy mà còn dựa vào loại quần áo. Ví dụ: giặt áo sơ mi, áo kiểu cần ít nước hơn so với quần jeans hay khăn tắm sẽ cần nhiều nước hơn đồ mỏng nhẹ.
Chọn đúng mực nước giúp giặt sạch hiệu quả bởi khi quá ít nước, đồ bẩn hoặc nhăn. Trong khi đó, quá nhiều nước lại làm loãng bột giặt, giảm hiệu quả. Máy giặt hiệu quả cao (có biểu tượng HE) thường có khả năng tự động cảm biến khối lượng và điều chỉnh lượng nước phù hợp.
Với các máy không có cảm biến HE, bạn cần điều chỉnh bằng tay. Theo nghiên cứu của chuyên gia, máy giặt có thể tiêu tốn tới 17% lượng nước sinh hoạt trong gia đình. Trung bình:
- Máy giặt cửa trên tiêu thụ khoảng 120 - 180 lít nước, máy giặt cửa trước tiêu thụ khoảng 60 - 120 lít nước.
- Máy giặt Inverter tiêu thụ lượng nước thấp hơn khoảng 30% so với máy giặt thông thường.
Đối với mẻ giặt nhỏ:
Mặc dù thời điểm tốt nhất để giặt đồ là khi đủ quần áo cho một mẻ đầy để giúp tiết kiệm điện và nước nhưng đôi khi bạn vẫn cần giặt gấp vài món hoặc giặt đồ mỏng nhẹ (như đồ lót, đồ len) vốn giặt hiệu quả hơn với mẻ nhỏ.
Nếu lồng giặt chỉ chứa khoảng 1/3 khối lượng đồ hoặc ít hơn, hãy chọn mực nước thấp nhất. Cài đặt này giúp tiết kiệm khoảng 1/3 lượng nước so với khi giặt đầy, nhưng lượng nước cụ thể sẽ tùy loại máy:
- Máy cửa trên thông thường dùng khoảng 110 lít nước cho mẻ đầy thì với mẻ nhỏ sẽ dùng khoảng 35 - 40 lít.
- Máy giặt có dán nhãn Energy Star dùng khoảng 53 lít cho mẻ đầy, thì với mẻ nhỏ sẽ dùng khoảng 15 - 16 lít.
Đối với mẻ giặt trung bình:
Xác định mức giặt trung bình khá đơn giản: Nếu lồng máy giặt chứa khoảng từ 1/3 đến 3/4 lượng quần áo tối đa, bạn nên chọn chế độ mực nước trung bình, thường là mức 2 - 3. Mức này sẽ tiêu thụ khoảng một nửa lượng nước so với khi giặt đầy:
- Máy giặt cửa trên (loại thường tiêu thụ khoảng 114 lít nước cho một lần giặt đầy) thì với khối lượng trung bình, sẽ dùng khoảng 57 lít nước.
- Máy giặt có dán nhãn Energy Star (dùng khoảng 53 lít nước cho một lần giặt đầy) thì với khối lượng trung bình, sẽ dùng khoảng 26.5 lít nước.
Đối với mẻ giặt lớn:
Giặt mẻ lớn tức là khi lồng máy giặt chứa từ 2/3 đến gần đầy, thường là ngay dưới mép trên của lồng giặt. Với những món đồ dày hoặc cồng kềnh như khăn tắm, chăn mền, bạn nên chọn chế độ giặt có mực nước cao nhất để đạt hiệu quả tốt nhất.
Giặt đầy thường dùng lượng nước tối đa:
- Máy giặt cửa trên: khoảng 114 đến 170 lít nước.
- Máy giặt có dán nhãn Energy Star: khoảng 26 đến 53 lít nước.
Thông thường, máy giặt cửa trên tiêu thụ nhiều nước hơn máy giặt cửa trước, và các mẫu cửa trước chuẩn Energy Star có thể tiết kiệm đến 50% lượng nước so với máy giặt cửa trên.
Tuy để đảm bảo hiệu quả giặt cũng như tránh cho máy giặt nhanh hư hỏng, không cần thường xuyên sửa máy giặt, người dùng không nên thường xuyên giặt tải lớn.
2. Nhiệt độ nước
Nhiều người cho rằng đồ màu sáng hoặc màu đậm thì nên giặt bằng nước lạnh, đồ trắng thì giặt nước nóng, còn những thứ khác thì giặt nước ấm. Nhưng thực tế, các loại chất tẩy rửa và máy giặt hiện đại ngày nay có thể làm sạch hầu hết quần áo chỉ với nước lạnh.
Tuy vậy, vẫn có những trường hợp nên dùng nước ấm hoặc nước nóng, đặc biệt là khi bạn đã phân loại quần áo đúng cách. Giặt bằng nước ấm hoặc nước nóng có thể rất hiệu quả nếu dùng đúng lúc, đúng cách. Nước nóng đặc biệt hữu ích khi giặt những món đồ rất bẩn hoặc bị dính dầu mỡ.

Ngoài ra, chọn nhiệt độ nước phù hợp còn giúp bạn tiết kiệm điện và chi phí. Việc đun nóng nước chiếm đến 90% lượng điện năng mà máy giặt tiêu thụ. Nếu chuyển từ chế độ giặt nước nóng sang nước ấm, bạn có thể giảm một nửa lượng điện tiêu thụ.
Nước lạnh:
Giặt bằng nước lạnh nên là chế độ mặc định khi giặt quần áo thông thường. Nó đặc biệt phù hợp với quần áo màu sẫm hoặc màu sáng đậm vì những loại vải này có thể bị phai màu hoặc loang màu sang quần áo khác nếu dùng nước nóng.
Nước lạnh cũng rất lý tưởng cho các loại vải mỏng, vải tinh tế như len hoặc lụa. Ngoài ra, một số vết bẩn như máu, sữa, hay các vết bẩn từ chất đạm (protein) nên giặt bằng nước lạnh để tránh bị "dính" vết bẩn vào vải.
Sử dụng chế độ giặt nước lạnh cũng giúp quần áo không bị co lại sau khi giặt. Chu trình giặt nước lạnh thường duy trì ở mức nhiệt độ từ 16°C đến 29°C.
Nước ấm:
Chu trình giặt nước ấm phù hợp với các loại vải sợi tự nhiên như cotton (bông) và cả sợi tổng hợp như polyester. Nước ấm có thể sử dụng để giặt hầu hết các loại quần áo có mức độ bẩn trung bình, ví dụ như: áo sơ mi, áo thun, quần dài, quần jeans, ga trải giường, khăn tắm, khăn trải bàn,... Chu trình nước ấm thường sử dụng mức nhiệt độ khoảng 32°C đến 49°C.
Nước nóng:
Chu trình giặt nước nóng thường được sử dụng để tiệt trùng các loại quần áo bẩn nhiều. Các đồ thường giặt trong chu trình này bao gồm: tã vải, đồ thể thao, đồ giặt khăn trải giường, vải lanh. Nước nóng cũng có thể giúp loại bỏ vết dầu mỡ và vết bẩn do dầu.
Nhược điểm của chu trình nước nóng là tiêu tốn nhiều năng lượng nhất và có thể làm co lại một số loại vải, phai màu hoặc mài mòn nhanh hơn. Chu trình nước nóng thường sử dụng nhiệt độ khoảng 54°C đến 60°C.
Nhiệt độ kép:
Một số máy giặt kết hợp các chế độ giặt và xả với nhiệt độ khác nhau. Ví dụ, chu trình nước nóng - nước lạnh kết hợp giặt bằng nước nóng với xả bằng nước lạnh, giúp tiết kiệm năng lượng khi sử dụng.
Giải thích một số chế độ giặt phổ biến
1. Chế độ giặt thường
Chế độ giặt thường là chu trình được sử dụng nhiều nhất, lý tưởng cho hầu hết các loại vải, bao gồm cả vải tự nhiên và vải tổng hợp, quần áo, khăn trải giường và các vật dụng bị bẩn ở mức độ trung bình.
Chế độ tiêu chuẩn này phù hợp cho các mẻ giặt hỗn hợp kết hợp các loại vải và vật dụng khác nhau. Nếu người dùng không có nhiều thời gian để phân loại đồ giặt thì có thể sử dụng chế độ này.
Chế độ giặt bình thường thường sử dụng nước lạnh hoặc ấm và tốc độ vắt cao. Thời gian chu trình giặt thường kéo dài khoảng 50 đến 65 phút.
2. Chế độ giặt nhẹ
Với các loại quần áo mềm mại như đồ lót, đồ bơi, áo len và vải mỏng cần sử dụng chế độ giặt nhẹ. Chế độ giặt nhẹ sử dụng lực nhào trộn ít mạnh hơn và tốc độ vắt thấp, thường sử dụng nước lạnh để giặt và xả.
Chế độ này cũng phù hợp với những đồ giặt bị bẩn nhẹ như áo sơ mi, quần âu hoặc các loại vải có khuyến cáo giặt nhẹ trên nhãn mác. Thời gian giặt của Chế độ này thường kéo dài từ 45 đến 75 phút.
3. Chế độ chống nhăn
Thông thường, chế độ này được sử dụng cho các loại trang phục như váy, áo sơ mi, quần âu, và các loại quần áo chuyên nghiệp khác cũng như các loại vải dễ nhăn như vải lanh. Chế độ permanent press sử dụng nước ấm và chu trình vắt chậm để giảm thiểu nếp nhăn; thời gian giặt thường dao động từ 50 đến 75 phút.
Một số cài đặt bổ sung hữu ích
1. Chế độ Heavy Duty (Giặt nặng)
Chế độ này phù hợp cho quần áo bị bẩn nhiều như quần jeans, áo làm việc, đồ bảo hộ và các loại vải bền. Chế độ giặt nặng thường sử dụng chu trình giặt lâu hơn kết hợp với tốc độ vắt cao để tạo hiệu quả giặt sạch sâu.
Hầu hết các chu trình giặt nặng sử dụng nước ấm hoặc nóng và chu trình xả lâu; thời gian giặt thường dao động từ 1 đến 2 giờ. Đây là chế độ tốn nhiều năng lượng và nước nhất, vì vậy không nên sử dụng cho việc giặt thông thường.
Một số máy giặt còn có tùy chọn "nước sâu", có thể kết hợp với chế độ giặt nặng và chế độ giặt đồ cồng kềnh để đảm bảo thấm nước tối đa.
2. Chế độ Bulky (Giặt đồ cồng kềnh)
Một số máy giặt có chế độ giặt đồ cồng kềnh, tương tự như chế độ giặt nặng, vì sử dụng thời gian giặt lâu hơn và lượng nước nhiều hơn. Chế độ này (đôi khi còn gọi là chế độ giặt ga giường) thường dành cho chăn, vỏ chăn, khăn tắm, áo khoác và áo phao cần nhiều nước để giặt sạch.

Chế độ giặt đồ cồng kềnh thường sử dụng nước ấm và tốc độ vắt thấp. Thời gian giặt khoảng từ 1 đến 2 giờ. Vì chế độ này sử dụng nhiều nước hơn, có thể cần phải chạy thêm một chu trình vắt để loại bỏ độ ẩm dư thừa trước khi chuyển đồ vào máy sấy.
3. Chế độ Whites (Giặt đồ trắng)
Một số máy giặt có chế độ riêng cho đồ trắng, phù hợp cho các loại vải và trang phục bị bẩn nhiều như tã, áo phông và đồ giường. Chế độ giặt đồ trắng thường được sử dụng cùng với chất tẩy trắng đồ giặt. Chế độ này thường sử dụng thời gian giặt lâu hơn và thêm một chu trình xả bổ sung cũng như tốc độ vắt nhanh hơn để loại bỏ dư lượng chất tẩy trắng.

Nhiệt độ nước thường là nước ấm hoặc nóng và thời gian giặt thường kéo dài nhất trong các chế độ chuyên biệt, từ 90 phút đến 3 giờ. Không bao giờ sử dụng chế độ giặt đồ trắng cho đồ màu sáng vì sẽ làm phai màu và thuốc nhuộm có thể lan sang các đồ khác hoặc với những loại vải dễ co lại.
4. Chế độ Sanitize (Khử trùng)
Chế độ khử trùng phù hợp với các vải, trang phục và đồ giường bị bẩn nhiều, thường được sử dụng cho đồ của trẻ em hoặc các thành viên trong gia đình có bệnh tật hoặc hệ miễn dịch yếu.
Chế độ này sử dụng nước nóng hoặc cực nóng để tiêu diệt các vi khuẩn phổ biến có trên quần áo và đồ giường. Thời gian giặt thường từ 90 phút đến 2 giờ. Một số nhà sản xuất khuyến nghị sử dụng chất tẩy oxy cùng với chế độ khử trùng; kiểm tra hướng dẫn sử dụng của máy giặt để biết chi tiết.
5. Chế độ Quick Wash (Giặt nhanh)
Những trang phục bị bẩn nhẹ có thể không cần đến chu trình giặt đầy đủ và chế độ giặt nhanh là lý tưởng để làm sạch vài món đồ nhanh chóng.
Chế độ giặt nhanh sử dụng nước ấm kết hợp với thời gian giặt ngắn và chu trình vắt tốc độ cao để giặt các tải nhỏ. Thời gian giặt thường dao động từ 15 đến 45 phút.
6. Chế độ Rinse and Spin (Xả và vắt)
Một số món đồ đặc biệt như đồ bơi và áo khoác có thể không cần giặt hoàn toàn với chất tẩy rửa và đối với những món đồ này, chế độ xả và vắt là lý tưởng nhất.
Chế độ này kết hợp xả với một chu trình vắt tốc độ cao; nhiệt độ nước thường là lạnh hoặc ấm. Chế độ này cũng phù hợp cho những đồ cần xả thêm, chẳng hạn như những tải đồ có thêm thuốc tẩy clo hoặc đồ cồng kềnh. Thời gian giặt khoảng 15 đến 20 phút.
Lược dịch từ: bobvila.com