
Nhiệt độ lý tưởng của tủ lạnh
Đối với ngăn mát, nhiệt độ lý tưởng để bảo quản thực phẩm là 0 - 4 độ C và -18 độ C với ngăn đông. Ở mức nhiệt độ này, vi khuẩn sẽ không thể phát triển nên bạn có thể bảo quản được thực phẩm trong thời gian dài mà không lo bị hỏng. Tuy nhiên, nếu để quá lâu thì thực phẩm sẽ không còn giữ được độ ngon và tình trạng hư hỏng vẫn có thể xảy ra.
Các khuyến nghị về nhiệt độ có thể áp dụng cho nhiều loại thiết bị khác nhau, bao gồm các loại tủ lạnh có thiết kế khác nhau và tủ lạnh mini. Bạn cũng có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng bởi nhà sản xuất có thể đưa ra mức nhiệt độ khuyến nghị cho thiết bị của bạn.
Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ tủ lạnh
Một số mẫu tủ lạnh hiện đại ngày nay có thể hiển thị nhiệt độ ngay trên cánh cửa để người đọc có thể điều chỉnh chính xác nhất. Tuy nhiên, nhiều mẫu tủ lạnh không có bộ điều chỉnh nhiệt độ để cho bạn biết nhiệt độ chính xác là bao nhiêu. Các loại này thường chỉ có một nút xoay với một vài tùy chọn cài đặt, chẳng hạn như từ 1 đến 5 hoặc "lạnh, lạnh hơn, lạnh nhất".
Ngay cả các mẫu có bộ điều chỉnh nhiệt độ tích hợp cũng không thể đo chính xác 100%. Do đó, cho dù tủ lạnh của bạn hiển thị hay không hiển thị nhiệt độ, bạn vẫn nên có sẵn nhiệt kế để đo nhiệt độ tủ lạnh trong nhà.

Sử dụng nhiệt kế thiết bị có thể giúp bạn theo dõi nhiệt độ ngăn mát và ngăn đông để đảm bảo thực phẩm của bạn vẫn đang được bảo quản ở môi trường phù hợp nhất.
Nếu bạn nhận thấy một trong các ngăn ấm hơn một chút so với mức cần thiết, bạn có thể xoay núm sang chế độ mát hơn, sử dụng cảm biến để tăng/giảm nhiệt độ hoặc thực hiện các bước khác khi cần để giữ cho thực phẩm của bạn được mát mẻ.
Mẹo tăng cường khả năng kiểm soát nhiệt độ
Mỗi lần bạn mở/đóng cửa tủ lạnh, để không khí ngoài môi trường xâm nhập vào bên trong tủ lạnh, cài đặt sai nhiệt độ… máy nén sẽ phải hoạt động nhiều hơn để giúp thiết bị cân bằng nhiệt độ. Điều này không chỉ gây tiêu tốn năng lượng mà còn khiến tủ lạnh nhanh hỏng hóc. Đôi khi, ngay cả chuyên gia sửa tủ lạnh cũng không thể khắc phục được vấn đề liên quan tới máy nén.
Tủ lạnh có tuổi thọ trung bình khoảng 10 đến 15 năm, trong khi tủ đông độc lập thường có tuổi thọ từ 12 đến 20 năm. Bất kể bạn có thiết bị cũ hay mới mua, việc sử dụng và bảo dưỡng đúng cách có thể giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị và đảm bảo kiểm soát nhiệt độ tối ưu.
1. Thay thế gioăng cao su
Gioăng cao su là bộ phận quan trọng giúp giữ nhiệt trong tủ lạnh, không để nhiệt độ bên ngoài tràn vào gây biến động nhiệt độ. Nếu được kiểm tra và vệ sinh định kỳ, gioăng cao su có thể sử dụng lâu. Nhưng đôi khi hư hỏng là không thể tránh khỏi.
Khi gioăng bị hỏng thì không khí lạnh đang thoát ra ngoài. Điều này có nghĩa là máy nén của tủ lạnh hoặc tủ đông có thể phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết để duy trì nhiệt độ bên trong đã cài đặt hoặc nhiệt độ bên trong đã tăng cao hơn mức cần thiết.
Bạn có thể kiểm tra tình trạng của gioăng cao su bằng quan sát hoặc kẹp một tờ tiền và cửa tủ. Nếu có thể kéo tờ tiền ra mà không gặp trở ngại thì gioăng cửa không đủ chặt.
Trong trường hợp gioăng cao su bị hư hỏng, không thể giữ nhiệt cho tủ lạnh, bạn sẽ phải thay thế gioăng càng sớm càng tốt. Bạn có thể mua gioăng thay thế tại các cửa hàng bán linh kiện thiết bị điện tử hoặc trung tâm bảo hành của tủ lạnh. Việc thay thế gioăng không quá phức tạp nên bạn hoàn toàn có thể sửa tủ lạnh tại nhà nhưng nếu không tự tin, hãy liên hệ tới chuyên gia.
2. Vệ sinh các cuộn dây ngưng
Giữ cho các cuộn dây ngưng trên tủ lạnh hoặc tủ đông sạch sẽ giúp thiết bị hoạt động hiệu quả hơn và duy trì nhiệt độ bên trong mong muốn.
Tùy thuộc vào thiết bị của bạn, cuộn dây sẽ nằm dọc theo mặt sau của thiết bị hoặc nằm ngang dưới cùng của mặt trước. Để tiếp cận cuộn dây, bạn có thể cần tháo tấm chắn kim loại. Bạn có thể vệ sinh các cuộn dây bằng máy hút bụi có đầu chổi hoặc chổi quét bụi. Nên vệ sinh cuộn dây này ít nhất một lần một năm.

3. Tránh đóng mở cửa tủ lạnh liên tục
Mỗi lần bạn đóng mở cửa tủ lạnh, không khí lạnh thoát ra và nhiệt độ bên trong tăng lên. Sau đó, thiết bị phải hoạt động nhiều hơn để đưa nhiệt độ trở lại mức bạn đã cài đặt. Việc hạn chế tần suất mở cửa và thời gian mở cửa có thể giúp giữ lượng không khí lạnh thoát ra ở mức tối thiểu.
4. Để một lượng thực phẩm vừa phải trong tủ lạnh
Tủ lạnh quá đầy hay quá ít đều có thể là vấn đề lớn. Khi tủ quá tải, không khí bên trong không thể lưu thông. Thực phẩm gần quạt gió sẽ lạnh trong khi thực phẩm bên ngoài lại không được bảo quản đúng cách nên nhanh hỏng. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân gây ra các sự cố như tủ lạnh không mát, hư hỏng máy nén, rò rỉ nước…
Ngược lại, khi tủ không có nhiều thực phẩm để "giữ lạnh", không khí lạnh lưu thông dễ bị mất nhiệt mỗi khi mở cửa, khiến tủ phải nạp lạnh liên tục. Nhiều người tưởng ít đồ thì tủ lạnh chạy nhẹ hơn. Thực tế, tủ lạnh phải hoạt động nhiều lần hơn để duy trì độ lạnh và điều này làm tăng lượng điện tiêu thụ. Tình trạng sương tuyết hình thành cũng thường xảy ra ở tủ lạnh ít đồ.
5. Không bỏ thực phẩm nóng vào tủ lạnh
Nếu bạn có thức ăn thừa từ bữa tối mà bạn muốn bỏ tủ lạnh, hãy để thực phẩm nguội hoàn toàn trước khi đông lạnh. Nếu không, nhiệt từ thực phẩm có thể làm ấm nhiệt độ bên trong tủ lạnh, ảnh hưởng tới các thực phẩm khác.
Tham khảo từ: bobvila.com