Mắc sai lầm khi tự sửa bình nóng lạnh tại nhà có thể gây nổ, giặt điện hoặc bị bỏng do nước sôi… Do đó, hãy nhớ rằng an toàn là trên hết và chỉ nên tự sửa chữa khi bạn hiểu rõ cách thức hoạt động của bình nóng lạnh và chỉ sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa. Nếu bạn không có kinh nghiệm, tuyệt đối không tự sửa chữa thiết bị.
Tất nhiên không phải trong mọi trường hợp bạn đều phải liên hệ tới dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp. Khi thợ sửa chữa không thể đến kịp thời và bạn cần sử dụng bình nóng lạnh ngay lập tức, bạn có thể cân nhắc tự sửa chữa nếu như hiểu các cơ chế hoạt động và đã từng có kinh nghiệm sửa chữa bình nóng lạnh.
Những trường hợp có thể tự sửa bình nóng lạnh tại nhà
1. Điều chỉnh nhiệt độ
Một trong những vấn đề cơ bản và phổ biến nhất với bình nóng lạnh là cài đặt nhiệt độ không đúng. Nếu bạn thấy nước không đủ nóng hoặc quá nóng, việc điều chỉnh bộ điều chỉnh nhiệt độ thường có thể giải quyết được vấn đề. Trước khi thử bất kỳ sửa chữa nào, hãy chắc chắn bạn đã tắt nguồn điện của bình nóng lạnh để đảm bảo an toàn.
Cách điều chỉnh nhiệt độ chi tiết sẽ còn tùy thuộc vào thương hiệu và loại bình nóng lạnh bạn sử dụng. Do đó, chúng tôi khuyên bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
2. Xả nước bình nóng lạnh
Sự tích tụ cặn trong bình có thể dẫn đến giảm hiệu suất và gây ra tiếng ồn lạ. Xả nước bình nóng lạnh là phương pháp vệ sinh bình nóng lạnh tại nhà hiệu quả, giúp loại bỏ cặn bẩn trong nước, tăng hiệu suất và tuổi thọ của bình nóng lạnh. Bạn nên xả nước bình nóng lạnh định kỳ mỗi năm một lần:
- Trước tiên, hãy tắt nguồn điện của thiết bị nếu không sẽ rất nguy hiểm.
- Đợi nước trong bình nguội dần. Thời gian chờ ít nhất là 2 tiếng đồng hồ.
- Xác định vị trí xả nước, đảm bảo không làm ảnh hưởng tới môi trường và hệ thống thoát nước.
- Mở van xả nước trên bình nóng lạnh để nước thoát ra ngoài. Nếu không có van xả nước, bạn có thể mở van cấp nước để xả nước. Hãy đọc hướng dẫn sử dụng của thiết bị để biết vị trí chính xác của các van nước.
- Bạn sẽ cần xả nước cho đến khi thấy nước sạch, không còn cặn bẩn hay tạp chất.
- Sau khi xả nước thành công, đóng van xả hoặc cấp nước.
- Mở nguồn điện và kiểm tra hoạt động của bình nóng lạnh cũng như kiểm tra chất lượng nguồn nước.

3. Kiểm tra rò rỉ
Hiện tượng rò rỉ sẽ không dễ để phát hiện, do đó, bạn sẽ cần kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ để chắc chắn thiết bị không bị rò rỉ ở bất kỳ vị trí nào. Nếu bạn thấy rò rỉ từ van hoặc đường ống dẫn nước, bạn có thể siết chặt hoặc thay thế bộ phận bị lỗi để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, nếu bản thân bình bị rò rỉ, đó là dấu hiệu hư hỏng nghiêm trọng bên trong và cần được xử lý bởi chuyên gia.
4. Bình nóng lạnh có âm thanh to bất thường
Nguyên nhân chính khiến bình nóng lạnh kêu to nguồn nước cấp vào không sạch do những cặn khoáng chất khi ở nhiệt độ cao đã kết tủa lại và bám ở thành và đáy bình; van giảm áp bị lỗi khiến hơi nước không thể thoát ra ngoài; cặn bám tích tụ do không được vệ sinh định kỳ.
Cách khắc phục những sự cố trên:
- Vệ sinh bình nóng lạnh: Bạn có thể vệ sinh bình nóng lạnh bằng cách xả nước kết hợp với kiểm tra thanh nhiệt. Thanh nhiệt có thể bị bám cặn khi sử dụng trong thời gian dài và cần được lau chùi lại. Trong trường hợp thanh nhiệt có dấu hiệu bị ăn mòn, rỉ sét nghiêm trọng, bạn sẽ cần thay thế thanh nhiệt.
- Sử dụng máy lọc nước: Cách loại bỏ cặn bẩn, tạp chất hiệu quả nhất là sử dụng máy lọc nước. Nếu bạn sống ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, bạn nên yêu cầu kỹ thuật viên lắp đặt máy lọc nước cho bình nóng lạnh ngay khi mới mua thiết bị.
- Thay thế van giảm áp: Người dùng bình thường có thể gặp khó khăn khi tự thay thế van giảm áp tại nhà. Chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ tới các cơ sở sửa bình nóng lạnh tại nhà chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Những trường hợp không nên tự sửa bình nóng lạnh tại nhà
1. Không có nước nóng
Trước tiên hãy thử kiểm tra cầu dao, hệ thống điện của thiết bị, thực hiện các bước vệ sinh cơ bản hoặc điều chỉnh nhiệt độ. Nếu các cách trên đều không hiệu quả, có thể có vấn đề với bộ phận gia nhiệt, van gas hoặc cặp nhiệt điện. Để chẩn đoán và sửa chữa các bộ phận này, cần có chuyên môn kỹ thuật nhất định nên sẽ không phù hợp để người dùng bình thường tự sửa chữa tại nhà.

2. Bình nóng lạnh phát ra tiếng động bất thường (tiếng nổ lách tách hoặc tiếng ầm ầm)
Tuy xả nước bình nóng lạnh là cách đơn giản và tương đối hữu hiệu khi thiết bị phát ra tiếng ồn nhưng không phải lúc nào cách này cũng giải quyết được vấn đề. Nếu tiếng kêu vẫn tiếp tục ngay cả khi bình được xả thường xuyên thì đây là dấu hiệu cho thấy bình có khả năng bị nứt hoặc rò rỉ bên trong.
Trong trường hợp này, bạn sẽ phải thay bình. Vì sự an toàn của bạn và người thân trong gia đình, chúng tôi khuyên bạn không nên tự thay/lắp bình nước nóng tại nhà kể cả khi có hướng dẫn trong hướng dẫn sử dụng đi kèm với thiết bị.
3. Nước đục, màu cam hoặc đỏ
Khi bạn thấy nước đục có màu gỉ sét chảy ra từ vòi nước, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng đường ống của mình có vấn đề. Nhưng nếu vấn đề này xảy ra ngay cả khi bạn vừa mới thay đường ống thì sao?
Nước đục có vị kim loại hoặc mùi lạ có thể là dấu hiệu cho thấy cặn khoáng từ bình nước nóng của bạn đang xâm nhập vào hệ thống ống nước. Nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bình chứa đã bị gỉ sét.
Tốt nhất là bạn nên gọi chuyên gia đến kiểm tra thiết bị và tránh sử dụng bình nóng lạnh cho đến khi vấn đề được khắc phục hoàn toàn.
4. Bình nóng lạnh có mùi khét của gas
Bình nóng lạnh chạy bằng gas có các thành phần phức tạp và có khả năng gây nguy hiểm. Nếu bạn ngửi thấy mùi gas, thiết bị có đèn báo nhấp nháy hoặc nghi ngờ rò rỉ gas, hãy tắt nguồn cung cấp gas ngay lập tức và liên hệ tới kỹ thuật viên chuyên nghiệp.

Tương tự với trường hợp của bình nóng lạnh điện, khi đã nghi ngờ có sự cố về điện như rò rỉ điện, thì hãy lập tức dập cầu dao ở vị trí có thiết bị và gọi thợ điện đến để kiểm tra.
Tham khảo từ: medium.com