Bất cứ một bà mẹ cho con bú nào, dù là trực tiếp hay vắt sữa ti bình cũng đều từng có ít nhất một lần phải băn khoăn với vấn đề trữ sữa và rã đông sữa mẹ . Làm thế nào để rã đông sữa mẹ vừa nhanh lại đảm bảo an toàn và không bị mất chất đã từng là trăn trở rất lâu của em.
Với quãng thời gian 2 năm liền hút sữa mẹ cho con ti bình, bất kể mưa nắng hay đông, hè… em cũng đã tích cóp được cho mình rất nhiều kinh nghiệm trong việc hâm nóng sữa mẹ. Bằng chứng là Gấu nhà em uống sữa mẹ để tủ suốt 2 năm nay, hiện con được 17kg và chưa một lần phải uống kháng sinh. Em xin chia sẻ với các chị em nguyên tắc hâm nóng sữa mẹ của mình.
Thời gian sử dụng của sữa mẹ khá dài
4 tiếng ở nhiệt độ phòng (27 độ C)
2-4 ngày ở nhiệt độ ngăn mát
3 tháng ở nhiệt độ ngăn đá
Đối với sữa để ngăn đá
- Trước khi sử dụng 1 ngày, em thường cho sữa đông đá xuống ngăn mát để rã đông nhưng vẫn giữ nhiệt độ tủ lạnh. Hoặc mẹ có thể rã đông sữa mẹ trong một chậu nước, nhưng phải là nước đá lạnh.
- Khi sữa đã chảy mềm hoàn toàn sang dạng lỏng, lúc đó em nhẹ nhàng lắc để lớp sữa nhiều chất béo và lớp sữa trong được hòa đều với nhau. Sau đó mới thay nước ngâm sữa thành nước ấm nóng để hâm đến nhiệt độ thích hợp cho con ăn.
Quy trình rã đông sữa mẹ chuẩn (ảnh minh họa)
Mẹo nhỏ cho mẹ: Em để ý thấy là sữa sau khi cấp đông thường có mùi lạ, như mùi xà phòng. Đó là do sữa của em có hàm lượng enzyme lipase cao. Enzyme lipase khi để đông đá rồi rã đông sẽ khiến sữa có mùi xà phòng. Tuy nhiên, chỉ có mẹ là ngửi thấy mùi khó chịu. Còn em bé nhà em vẫn ăn bình thường. Nếu chị em nào có bé không chịu uống sữa có mùi xà phòng, em xin mách chị em cách đun sữa lên (nhưng không để sôi) để làm tiêu biến bớt số enzyme lipase có trong sữa mẹ. Cách làm cụ thể như sau:
- Sữa mẹ mới vắt ra (càng làm ngay sau khi vắt càng tốt)
- cốc hoặc ly thủy tinh
- 1 thau đá lạnh
- Nồi nấu sữa
Bước 1: Dùng muỗng khuấy đều chất béo với sữa
Bước 2: Bỏ sữa vào nồi đun cho đến khi xuất hiện hạt lăn tăn trên thành (khoảng 82 độ C)
Bước 3: Khi sữa đã đạt đến 82 độ C. Đổ sữa vào cốc thủy tinh và bỏ vào thau nước lạnh ngay để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn (giống cách thanh trùng sữa tươi). Sau khi sữa đã nguội, Đổ sữa vào bịch trữ có ghi ngày giờ “sản xuất”.
Khi đun sữa mẹ như vậy đúng là sẽ mất đi một lượng kháng thể và chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng thất thoát này là không đáng kể vì chưa đạt đến nhiệt độ sôi.
Đối với sữa để ngăn mát
Ngâm nước ấm để tăng nhiệt cho sữa trong tủ lạnh (ảnh minh họa)
- Mẹ lấy sữa trong tủ lạnh ra và ngâm trong nước ấm 40 độ cho đến khi đạt nhiệt độ phù hợp để bé ăn. Tuy nhiên, không nên ngâm sữa trong nước quá nóng vì sẽ làm mất khoáng chất có trong sữa mẹ.
- Sữa mẹ sau khi đã lấy ra khỏi tủ lạnh không thể cấp đông lại dùng tiếp. Do đó, ẹm chỉ nên lấy đúng lượng sữa vừa ăn với trẻ.
- KHÔNG BAO GIỜ dùng lò vi sóng để rã đông sữa mẹ vì mẹ có thể làm nóng quá và bỏng bé. Các sóng microwave cũng sẽ mất làm một phần chất đạm của sữa mẹ.
Theo Baomoi