Theo ông Nguyễn Ngọc Ái - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Lợi (chuyên kinh doanh thiết bị điện lạnh),mùa hè không nên điều chỉnh nhiệt độ phòng xuống dưới 26 độ C, để tránh những bệnh như: Ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt... Bởi nếu để nhiệt độ trong phòng điều hòa thấp 25 độ C, thậm chí 21 độ C sau đó ra ngoài gặp hơi nóng sẽ rất dễ bị cảm cúm, đặc biệt là sổ mũi, viêm họng.
Trong trường hợp bên ngoài nhiệt độ cao, cũng phải điều chỉnh nhiệt độ trong phòng tăng lên tương ứng. Thông thường, khoảng cách nhiệt độ ngoài trời với trong nhà khoảng từ 8 -10 độ C là phù hợp. Chẳng hạn, nhiệt độ ngoài trời 35 độ C, trong nhà nên để 27 hoặc 28 độ. Khi ra khỏi hoặc đi vào phòng lạnh phải dừng lại ở phòng đệm có nhiệt độ trung gian từ 3 - 5 phút để tránh gây sốc cho cơ thể.
Cũng theo ông Ái, các gia đình nên chú ý đến việc cung cấp gió tươi cho phòng điều hòa, vì đóng cửa kín sẽ làm thiếu dưỡng khí cần thiết cho nhu cầu hô hấp. Thiếu dưỡng khí sẽ làm cho hoa mắt, nhức đầu, khó thở. Từ đó, sinh ra rất nhiều bệnh tật khác, đặc biệt là về trí não, trẻ em trì trệ kém thông minh...
Để tiết kiệm điện, nên chọn loại máy điều hòa công suất lớn hơn diện tích sử dụng phòng. Chẳng hạn: Diện tích phòng sử dụng máy điều hòa công suất 9.000 BTU thì lên chọn loại có công suất 12.000BTU vừa tiết kiệm và đảm bảo độ lạnh. Ngoài ra, có thể chọn loại máy điều hòa thế hệ mới kiểu biến tần (inverter). So với loại máy thế hệ cũ, máy mới có thể tiết kiệm được từ 30 - 50% điện năng tiêu thụ.
Khi lắp đặt, phải tuân thủ những chỉ dẫn của nhà chế tạo. Đường ống gas không nên dài quá 5m, thậm chí càng ngắn càng tốt. Chiều cao chênh lệch giữa dàn nóng và dàn lạnh không nên quá 3m... nạp vừa đủ gas. Nếu không, năng suất lạnh sẽ bị giảm và điện năng tiêu tốn sẽ tăng cao.
Nên thường xuyên vệ sinh phin lọc gió phía dàn lạnh (2 tuần 1 lần),mỗi năm tổng vệ sinh cả máy 1 lần, ở môi trường nhiều bụi bẩn 2 đến 3 lần. Khi không chạy máy phải tắt aptômát, vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa, máy vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ.