Mua hai bình nước hiệu Vispa, sau khi đưa qua bình lọc, lấy nước ra cốc, chị Hoàng Loan phát hiện nước đầy cặn. Để một lát, cặn lắng thành một lớp dày dưới đáy cốc.
Công ty cung cấp nước Vispa đã cử một nhân viên kỹ thuật tới chỗ chị Loan để kiểm tra. Tại đây, nhân viên kỹ thuật phát hiện ra cây nước nóng lạnh chỗ chị Loan đã được dùng trong thời gian từ 3-4 năm và không được vệ sinh thường xuyên nên có cặn đục ở bầu chứa nước nóng và bầu chứa nước lạnh. Sau khi vệ sinh sơ qua, đặt bình nước lên cây, rót nước ra cốc đã không còn thấy cặn. Tuy nhiên, muốn làm sạch triệt để cây nóng lạnh, cần phải có kĩ thuật viên chuyên về điện lạnh đến xử lý.
Theo anh Long, người chuyên sửa chữa bảo dưỡng các sản phẩm điện lạnh: nếu dùng cây nước nóng lạnh lâu năm thường có hiện tượng đọng cặn trắng bên trong. Luôn có lượng canxi và magie hòa tan trong nước. Dù lượng chất hòa tan này trong nước rất nhỏ, đạt chuẩn về vệ sinh an toàn nhưng việc đun nóng và làm lạnh trong thời gian dài gây ra hiện tượng đóng cặn trong thiết bị đun, làm lạnh, ống dẫn nước... Đó là chưa kể việc bụi bẩn rơi xuống máy mỗi khi nhấc bình cấp nước ra để thay nước.
Bởi vậy, để kéo dài tuổi thọ cho máy, đồng thời giữ vệ sinh nguồn nước thì việc vệ sinh cho cây nước nóng lạnh là rất quan trọng. Việc kiểm tra và vệ sinh máy nên tiến hành như sau:
Đầu tiên rút nguồn điện, lấy bình nước úp trên máy ra để nơi an toàn. Tiếp theo, xả bỏ nước nóng lạnh trong máy ra ngoài, đồng thời tháo rời từng bộ phận như hai vòi, đĩa chia nước, khay nước xả, vệ sinh bồn lạnh bằng khăn sạch. Sử dụng cọ vệ sinh chuyên dùng để vệ sinh các kẽ nhỏ trong bồn lạnh, hai ống ra vòi, vệ sinh hai vòi rồi gắn lại đúng vị trí ban đầu.
Về lau vệ sinh bên ngoài máy, nên lau bằng khăn ẩm, không dùng bằng xăng dầu, xà phòng vì những chất này dễ làm hư vỏ máy đồng thời gây mùi cho nước uống. Sau khi vệ sinh xong, nên dùng nước sạch súc rửa nhiều lần bồn nóng và bồn lạnh. Lắp đặt các bộ phận rồi cắm điện lại cho máy.
Theo baomoi