Nắng nóng mới bắt đầu vào mùa nhưng đã có không ít trẻ phải nhập viện vì viêm phế quản, viêm phổi… do nằm điều hòa quá nhiều.
Chị Đặng Hồng Nga (nhà gần bến xe Giáp Bát, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị mới được gần 8 tháng tuổi. Khi thấy con có biểu hiện thở khò khè, nghĩ con chỉ bị cảm nhẹ nên vợ chồng chị không đưa đi viện mà chỉ mua thuốc về tự điều trị. 2 hôm sau, bé có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, khó thở, phải thở bằng bụng, người tím tái, bỏ bú… gia đình mới vội vàng đưa đến bác sĩ nhi khoa khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, bé bị viêm đường hô hấp nhưng do phát hiện và điều trị quá muộn nên đã có biến chứng viêm phổi, phải thở máy.
Vợ chồng anh Quốc (Giảng Võ, Hà Nội) phải bế con vào viện cấp cứu lúc nửa đêm. Anh cho biết, bé nhà anh hơn 9 tháng và đã nằm viện điều trị 2 ngày vì bị viêm phế quản. “Mấy ngày nắng nóng, vợ chồng mình bật điều hòa cho con gần như 24/24. Đến lúc thấy bé có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mũi nhiều, thở khò khè và ho… vợ chồng mình đưa bé đi viện thì mới biết bé bị viêm phế quản”, anh Quốc nói.
Tiết trời oi bức của mùa hè khiến trẻ dễ bị ốm. Nhiều gia đình sợ trẻ nóng nên bật điều hòa 24/24 cho trẻ, tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý sẽ khiến trẻ có thể bị viêm phế quản, cảm lạnh…
Không phải bậc cha mẹ nào cũng biết sử dụng điều hòa đúng cách cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).
Vì thế, khi cho trẻ nằm trong phòng điều hòa, cha mẹ cần lưu ý:
- Chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp nhất là thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8-10 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ này nên càng ít càng tốt nếu trẻ càng nhỏ. BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung Ương cảnh báo, nhiều cha mẹ quá lạm dụng điều hòa đã để nhiệt độ chênh hơn nhiều so với ngoài trời, điều này không tốt cho trẻ nhỏ. Với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, nên chỉnh điều hòa từ 26-28 độ C. Riêng với trẻ sơ sinh thì 29-30 độ C sẽ là mức nhiệt độ hợp lý.
- Tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng điều hòa quá 3 giờ liên tục. Khoảng 2-3 giờ, nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10 – 15 phút. Mỗi khi ra ngoài cho trẻ ra ngoài, cần mở rộng cửa trước và cho trẻ đứng lại trong phòng 3-5 phút để cơ thể kịp thích ứng với môi trường xung quanh. Đừng cho trẻ vào ngay phòng điều hòa khi trẻ vừa ở trời nắng về hay khi trẻ vừa chạy nhảy và ra nhiều mồ hôi… vì như thế trẻ dễ bị sốc nhiệt, dễ bị ốm.
- Khi trẻ ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.
- Vị trí đặt điều hòa nên ở trên cao. Cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.
- Gia đình có trẻ nhỏ không nên sử dụng thiết bị phun ẩm, phun sương trong phòng vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển và xâm nhập cơ thể… Mỗi ngày, ít nhất phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài. Kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.
- Lưu ý làm vệ sinh điều hòa định kỳ để không khí luồng gió từ điều hòa thổi ra không bị bụi bẩn kèm theo.
Theo hn.eva.vn